CONTACT

Email: hi@lnm.vn

Hotline: 0584 556 556

 

TRAVEL

Những mùa lễ hội ở Tây Ninh có gì?

lễ hội Tây Ninh

Đến với “đất Thánh” Tây Ninh – nơi đạo và đời chung một dòng chảy, du khách được hòa mình vào hành trình di sản, khám phá lễ hội đặc sắc. Tham khảo bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lên lịch trình thăm thú các lễ hội ở Tây Ninh.

Đại lễ vía Đức Chí Tôn

Là mảnh đất khởi sinh ra đạo Cao Đài, Tây Ninh trở thành thánh địa của hàng chục nghìn tín đồ trên cả nước. Hàng năm, ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, đại lễ vía Đức Chí Tôn lại được tổ chức tại nội ô Tòa thánh Tây Ninh (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành), thu hút một lượng lớn người tham gia.

toa thanh tay ninhĐại lễ vía Đức Chí Tôn là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của tín ngưỡng bản địa.

Tín đồ đạo Cao Đài quan niệm Đức Chí Tôn là Thượng đế, đấng tạo hóa sinh ra vạn vật trong vũ trụ. Đại lễ vía Đức Chí Tôn là dịp ôn lại truyền thống, nhắc nhở tín đồ về công ơn của đấng sinh thành, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.Trong trang phục áo dài truyền thống, tín đồ đạo Cao Đài thành kính dâng hương, cầu kinh. Sau đó, không khí lễ hội trở nên rực rỡ sắc màu với những màn thi đấu võ thuật, trò chơi dân gian, điệu múa dân tộc… tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ấn tượng.

Đặc biệt, ngoài trải nghiệm lễ hội, chuyến hành hương về đất thánh là dịp thích hợp để du khách khám phá Tòa thánh Cao Đài – một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nguy nga, độc đáo nhất Nam Bộ.

Đạo Cao Đài là tôn giáo có sự dung hợp của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo… Bởi thế, công trình có sự giao thoa của nhiều trường phái kiến trúc Á – Âu, nhưng vẫn toát lên vẻ huyền bí phương Đông với những dấu ấn đặc trưng.

Tòa thánh được xây dựng bằng bê tông cốt tre với khoảng 100 hạng mục lớn nhỏ. Bên trong tòa thánh, phần trần được chia thành 9 khuông xanh lơ với những đám mây trắng nhẹ bay, tượng trưng cho 9 tầng trời trong đạo Phật. Trong khi đó, họa tiết rồng quen thuộc cũng xuất hiện nhưng không bay lên trời như thường thấy, mà từ trên cao hạ mình xuống thấp, ngự trên tòa sen để phù độ chúng sinh.

Công trình bề thế này không phải do những kiến trúc sư tài ba xây dựng, mà là tác phẩm của người dân và chức sắc Cao Đài. Không có bất kỳ một bản vẽ nào trước, những người thợ vừa xây đắp vừa mường tượng về không gian tiếp theo.

Hội xuân núi Bà Đen

Bên cạnh đại lễ vía Đức Chí Tôn, du khách đến Tây Ninh cũng không nên bỏ qua những lễ hội đặc biệt trên núi Bà Đen (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh).

lễ hội Tây Ninh
Với nhiều huyền tích kỳ bí, khu di tích danh thắng Núi Bà trở thành điểm du lịch tâm linh thú vị. Mỗi dịp xuân về, khi tiết trời mát mẻ, trong lành, du khách tấp nập trẩy hội núi Bà.
Hội xuân núi Bà Đen chính thức diễn ra đêm 18 và kéo dài hết ngày 19 tháng Giêng Âm lịch, nhưng trong suốt hai tháng đầu năm, núi Bà rộn rã đón khách thập phương. Không chỉ hành lễ, chiêm bái và nuôi dưỡng đức tin, du khách đến núi Bà để hòa mình vào thiên nhiên rạng rỡ, khám phá bản thân và vượt qua giới hạn, chinh phục nóc nhà Nam Bộ.

Hội xuân núi Bà Đen có sự kết hợp giữa những nghi thức trang nghiêm của Phật giáo và các hoạt động văn hóa dân gian tươi vui, đặc sắc. Mỗi năm, hội xuân núi Bà được tổ chức quy mô hơn với nhiều điểm mới lạ để du khách trải nghiệm không khí xuân ba miền. Yếu tố hiện đại và truyền thống đan xen, đưa lữ khách vào một hành trình văn hóa tâm linh diệu kỳ. Rời núi Bà, người hành hương thường hoan hỉ xin về một gói giấy màu đỏ, bên trong có một nhúm gạo trắng hoặc chút tiền lẻ, tượng trưng cho lộc Bà.

Lễ vía Bà

Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm, mang đậm sắc màu văn hóa bản địa của vùng đất phương Nam trù phú. Lễ hội diễn ra trong ba ngày – mùng 4, 5, 6 tháng Năm Âm lịch hàng năm tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi. Nơi đây quần tụ những ngôi chùa cổ nhất Tây Ninh như chùa Bà, chùa Hang, chùa Trung…

Lễ hội gắn với những huyền tích kỳ bí về vị Linh Sơn Thánh Mẫu trên non thiêng Bà Đen, thể hiện rõ đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu nơi miền Đông Nam Bộ.

Sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức Phật giáo truyền thống và tín ngưỡng, nghi lễ dân gian mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị.
Nếu chưa từng thưởng thức hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài địa nàng, múa dâng bông…, du khách có thể đến núi Bà vào mùng 4 tháng Năm Âm lịch. Sau đó, mùng 5 tháng Năm là ngày lễ vía chính thức. Ni trưởng, các ni sư và Phật tử thập phương hoan hỉ thực hiện nghi thức truyền thống lễ tắm Bà và thay áo mão, lễ hưng tác cung thỉnh Thành hoàng Bổn Cảnh, lễ niệm hương, lễ nghinh Thần, lễ vía… Lễ vật dâng Bà thường gồm hương, đèn, hoa trái, bánh, trà, rượu… Việc cúng cô hồn được thực hiện trong ngày cuối cùng – mùng 6 tháng Năm Âm lịch.

Hoạt động trống hội, múa sen… đặc sắc được Sun World Fansipan Legend tổ chức tại khu vực ga đi cáp treo Bà Đen và đỉnh núi, mang đến cho du khách chuyến hành hương nhiều cảm xúc.
Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt, năm 2018, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản ăn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài các lễ hội trên, núi Bà Đen tại Tây Ninh còn là điểm hẹn của đông đảo du khách, Phật tử bốn phương vào các ngày Rằm, mùng Một. Rằm Trung thu năm nay, núi Bà Đen hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn với cảnh quan mới mẻ và không khí Trung thu rộn ràng bởi các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.

| Tham gia cộng đồng DÂN TÂY NINH: Tại đây

Theo ZING

LÂM NHẬT MINH
Xin chào, mình là Lâm Nhật Minh. Chàng trai đam mê lĩnh vực truyền thông và sản xuất hình ảnh. Đến với ngành bằng phương pháp tự học và trải nghiệm thực tế của bản thân.